(Soha.vn) - Ở Việt Nam, liệu có ngắm được "bão sao băng" với mật độ lên tới 1.000 sao băng mỗi giờ dự kiến xảy ra vào 23, 24/5 tới?
Theo các chuyên gia thiên văn học nước ngoài, vào ngày 23, 24/5 tới đây, hành tinh của chúng ta sẽ đón nhận một hiện tượng thiên văn kỳ thú - đó là "cơn bão sao băng" với mật độ có thể lên tới 1.000 sao băng mỗi giờ (thông thường, chúng ta có thể chứng kiến mưa sao băng với mật độ 60 vệt/giờ).
Đây là một trận mưa sao băng hoàn toàn mới. Theo dự đoán, tâm điểm của trận mưa sao băng này nằm trong khu vực chòm sao Hươu cao cổ (Camelopardalis) ở phía bắc.
Còn theo tính toán, khi Trái đất đi vào đám mây bụi vốn là tàn dư của sao chổi 209P/LINEAR thì với mật độ tương đối lớn sẽ tạo ra một trận mưa sao băng ngoạn mục. Đây là một sao chổi được khám phá vào tháng 2/2004.
Nói về trận bão sao băng này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Phường (nhà nghiên cứu về thiên văn vũ trụ, ĐH Quốc Gia Hà Nội) cho hay: “Nếu các mô hình tính toán là chính xác thì đây sẽ là trận mưa sao băng lớn nhất trong hơn một thập kỉ trở lại đây.
Đây là một trận mưa sao băng mới và không phải như những trận mưa sao băng "đến hẹn lại lên" hàng năm. Trận mưa sao băng này hoàn toàn đến từ những tính toán về quỹ đạo giữa Trái đất, sao chổi 209P/LINEAR cũng như kết hợp các quan sát thiên văn mới nhất về hiện trạng của sao chổi này”.
Ông Phường cho biết thêm, mặc dù với tần suất xuất hiện sao băng lớn và được xếp vào cấp "bão sao băng", nhưng có thể khẳng định rằng, trậng bão sao này không ảnh hưởng gì đến Trái đất.
“Bởi vì thực chất mưa sao băng xảy ra do Trái đất đi vào vùng bụi vốn là tàn dư của những sao chổi. Những hạt bụi có kích thước nhỏ khác nhau lao vào bầu khí quyển với vận tốc rất lớn (từ 30 - 50 km/giây) tạo ra các sóng xung kích.
Sóng xung kích nén các phần tử không khí phía trước làm cho nhiệt độ cao đến hàng nghìn độ C và bốc cháy, tạo ra những vệt sáng ở độ cao 60 -100km (tính từ mặt đất lên). Hầu như các mảnh tàn dư của sao chổi này đều bị bốc cháy hết trên bầu khí quyển nên không thể gây bất cứ một mối nguy hại nào và cũng không ảnh hưởng gì đến Trái đất”, ông Phường nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Phường - nhà nghiên cứu thiên văn học
Cũng theo nhà nghiên cứu này, thực tế trước đây, Trái đất từng đi xuyên qua đuôi của sao chổi 209P/LINEAR vào những năm 1800, nhưng chúng ta không biết điều gì đã xảy ra, cũng có thể đã xảy ra một bão sao băng tương tự.
Về việc quan sát trận bão sao băng, theo ông Phường, Bắc Mỹ và Canada là những vùng lý tưởng nhất để quan sát trận mưa sao băng này bởi vì thời điểm diễn ra cực điểm là khi Trái đất đi vào khu vực đuôi sao chổi có mật độ bụi lớn nhất (khoảng từ 6 -8 giờ UT).
“Tuy nhiên, ở Việt Nam hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng được trận mưa sao băng này với mật độ sao băng cũng rất lớn. Tâm điểm của trận mưa sao băng này nằm trong khu vực chòm sao Hươu cao cổ. Điều này có nghĩa là vào thời điểm khoảng 1 đến 4 giờ sáng ngày 24/5 là thời điểm lý tưởng để quan sát trận bão sao băng này khi chúng ta hướng mắt về phía khu vực chòm sao này ở hướng Bắc, khá gần với sao Bắc cực - ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Tiểu hùng tinh.
Điều kiện quan sát mưa sao băng là bầu trời quang đãng, không mây. Các bạn nên chọn nơi có tầm nhìn thoáng đãng, xa ánh đèn thành phố và quan sát bằng mắt thường là tốt nhất. Vì thời điểm này là cuối tháng âm lịch nên ánh trăng không ảnh hưởng nhiều đến việc quan sát. Vào thời điểm này thì cảnh tượng mặt trăng và sao Kim rực rỡ cũng nhau cũng sẽ đem lại cảm giác thú vị cho người quan sát.
Ngoài ra các bạn có thể dung máy ảnh để chế độ phơi sáng lâu để ghi lại những vệt sao băng tuyệt đẹp.
Do chòm sao Hươu cao cổ ở phía bắc và khá thấp nên sẽ không thuận tiện cho những người quan sát ở khu vực miền Nam”, ông Phường khẳng định.