Hôm nay:

Không Dùng Hàng Hóa Tàu Có Sống Được Không?


Phương Tôn 
Một bài báo từ Mỹ cách đây hơn một năm đã gây  ấn tượng sâu sắc. Tác giả là một phụ  nữ người Mỹ đã tự làm thí nghiệm lấy mình, thử sống một thời gian không cần dùng hàng hóa của Trung quốc. Kết luận cho thấy, người ta có thể sống được một khi muốn không dùng đến những gì có liên quan đến hàng Trung quốc, nhưng rất khó khăn. Thậm chí phải nói là vô phương tránh khỏi.
Tôi không tin điều đó, nhất là với cuộc sống tại  Âu châu hiện nay. Tuy nhiên tin hay không là một chuyện mà sự thật lại là một chuyện khác. Để khẳng định lấy chính mình và cũng để có được bằng chứng „sống“ nhằm có thể thuyết phục những người khác. Bắt chước người phụ nữ Mỹ, tôi bắt đầu tự  thử nghiệm một cuộc sống „kiêng cữ“: Sống không đụng đến „đồ Tàu“.
Đụng đến hai chữ „kiêng cữ“ là đã thấy khó khăn, dù cho là kiêng thuốc lá, kiêng đồ ngọt, kiêng thịt cá, kiêng …“này nọ“ v.v… Muốn qua được, nội lực quyết tâm chưa đủ, người kiêng phải cần đến hổ trợ tinh thần từ ngoài. Việc kiêng đồ Tàu của tôi trong thời gian qua nội lực không tốn bao nhiêu mà ngoại lực để phấn khích tinh thần „bài đồ Tàu“ thì lại được hổ trợ đầy đủ. Kem đánh răng của Tàu mang chất độc, thức ăn thú vật của Tàu mang chất độc, sữa cho trẻ con mang chất độc, đồ chơi cho trẻ con của Tàu mang chất độc, bún gạo của Tàu mang chất độc, xì dầu của Tàu mang chất độc, áo quần giày dép của Tàu mang chất độc v.v… Danh sách hàng hóa Tàu mang chất độc càng dài thì ngoại lực hổ trợ sống „kiêng“ càng mạnh. Tôi yên tâm bước vào cuộc chơi.  
Đúng ra mà nói tôi vẫn chưa muốn đưa ra kết quả cuộc chơi này (tôi vẫn còn… chơi tiếp tục, càng lâu càng tốt) nhưng nghĩ lại những thái độ của Trung quốc đối với Việt Nam chúng ta trong thời gian ngắn vừa qua thì tội gì mình không kể cho người khác nghe. Tụi nó „chơi“ mình như vậy thì mình phải đáp lại thôi, dù rằng cũng biết „châu chấu đá voi“. Nhưng biết đâu? triệu con châu chấu đồng lòng bu đến thì voi cũng rút vòi mà thôi. Đưa cái lưỡi bò liếm hết hầu như toàn bộ vùng biển Đông, ngang nhiên đưa ra lệnh cấm đánh cá trong thời gian từ 16.5 đến 1.8.2009 trên một vài khu vực biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Một số ngư dân không nghe lời vẫn giong thuyền ra biển liền bị chúng vây bắt, phạt tiền, tịch thu lưới cá, tịch thu thuyền. Trầm trọng nhất là chúng cho tàu đâm thủng chìm thuyền ngoài biển khơi… Đây mới là chuyện lạ. Lạ không phải là do người hàng xóm ỷ mạnh từ xưa đến nay vẫn luôn luôn có dã tâm sang ăn cướp. Lạ là anh chủ nhà chỉ ra lời phản đối nhẹ nhàng, phải chăng người ta đang dùng phép „Lấy tình thương xóa bỏ hận thù“?... Lạ thật!
Nghe những chuyện như vậy đã là người Việt thì  ai mà không ức? huống gì là báo giới tại Việt Nam. Thế là họ nhảy vào cuộc, không được phép đánh mặt này thì họ khôn ngoan bày mặt trận khác. Cho công bố những tệ hại của hàng hóa Trung quốc, kêu gào, tổ chức những buổi „Tọa đàm“, Hội đàm“, „Trà đàm“, đủ thứ …đàm để thảo luận lên án hàng hóa Tàu đang giết hại người dân Việt Nam. Doanh giới và các chuyên gia kinh tế cùng nhập cuộc để bàn bạc, góp ý với hy vọng tìm ra những giải pháp nhằm chống lại thực trạng hàng Tàu đang bóp chết sản xuất nội địa. Một điểm lạ là vào ngày 16.6, báo Online VietNamNet tổ chức một buổi tọa đàm (có lẽ trước đây cũng đã có những buổi đứng đàm?) nhằm tìm giải pháp đối phó với hàng Trung Quốc chất lượng thấp, có sự tham gia của Bà Phạm Chi Lan – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam và ông Nguyễn Minh Phong - Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội. Trong buổi tọa đàm này, bà Phạm Chi Lan cho rằng, Trung Quốc không quan tâm nhiều hoặc bất chấp những điều thuộc về đạo lý kinh doanh hay lương tâm kinh doanh: hàng xấu, hàng độc... Ngay cả đối với dân của họ, họ cũng không quan tâm, chẳng hạn trường hợp trẻ em Trung Quốc ngộ độc sữa... Cho nên đối với người tiêu dùng nước khác, dại dột mua hàng kém chất lượng và bị hại, họ càng không coi đó là vấn đề của mình… Lạ thật.
Những lời tuyên bố của „đám ranh con“ làm cho Hồ  Tỏa Cẩm, Tham tán Kinh tế - Thương mại của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, bực mình. Ngay lập tức ông ta lên tiếng khuyến cáo nhà nước Việt Nam, về việc một số cơ quan truyền thông của Việt Nam đã không thực hiện đúng thỏa thuận giữa hai chính phủ, dám chỉ trích chất lượng hàng hoá Trung Quốc và yêu cầu Việt Nam khuyến cáo các tờ báo này. Hồ Tỏa Cẩm còn bày tỏ với đại diện chính quyền Việt Nam rằng, Trung Quốc không hài lòng việc bà Phạm Chi Lan và ông Nguyễn Minh Phong đã có những phát biểu “thiếu tinh thần hữu nghị”.  Hành động xấc xược của viên ngoại giao cấp thấp (chỉ là Tham tán Kinh tế - Thương mại) của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam khiến nhiều người sửng sốt trong khi nhà nước Việt Nam lại không có lời phản đối chính thức… Lạ thật!  
Nội lực quyết tâm có đủ, ngoại lực bên ngoài hổ trợ  thêm giúp tôi thong dong sống những ngày kiêng đồ Tàu. Thời gian trải qua thì dài, trang viết lại có hạn do đó không gì thuyết phục bằng, trình bày kết quả dưới dạng Nhật ký cho một tuần tiêu biểu. Thời gian sắp xếp sự việc không nhất thiết phải đúng nhưng nội dung là sự thật không 100 thì cũng 99%.  
Thứ  hai: Dù đã lo đi ngủ sớm để dậy sớm đi làm nhưng sáu giờ sáng tiếng chuông báo thức từ cái điện thoại di động cũng làm bực mình, tỉnh giấc. Tay vói lấy điện thoại để tắt chuông báo thức, chữ NOKIA đập ngay vào mắt. Cái điện thoại này ráp ở Đức nhưng nay thì Nokia đóng cửa cơ xưởng tại thành phố Bochum đưa sang Romania. Nghe đâu Nokia đã đưa sang lắp ráp máy tại Trung quốc nhưng tin chắc máy này xuất xứ từ Đức. Yên tâm, chứ không có ngày để máy Tàu trong túi quần bên cạnh…cục Pin nó nổ tung một phát thì còn chi …
Lồm cồm bò ra khỏi giường, phòng ngủ lạnh ngắt, tìm đôi dép đi trong nhà cho ấm chân. Đôi dép làm bằng vải sản xuất tại Ý  mua Sale hồi năm ngoái, rẻ mạt 99 xu mà đi lại thật bền.
Buổi sáng tôi có những động tác nhuần nhuyển khó ai làm  được đó là làm ba việc cùng một lúc để tiết kiệm thời gian: Vừa đánh răng vừa pha cà phê vừa mở máy Computer đọc tin tức buổi sáng. Cà phê xay bên này người ta bán thường nửa ký. Buổi sáng dùng cái máy của Nhật, pha ly cà phê Brasilia thơm ngát, giá cả coi vậy mà lại còn rẻ hơn cà phê mạo danh „Cức chồn“ của Việt Nam. Nửa ký chừng 2 đến 3 Euro là thơm ngon lắm rồi. Vừa lòng, nhưng lại giật mình quên chuyện coi thử kem đánh răng ngay cả cái bàn chải đánh răng từ đâu tới. Ba cái thứ này nhét sâu vào trong miệng chứ không phải chuyện giỡn chơi. Kem Dentalux nhãn hiệu cầu chứng tại tòa sản xuất tại Neckasulm, Đức quốc. Hàng nội địa giá rẻ, 125ml chỉ chừng 90 cent là dùng thoải mái khỏi sợ chất độc chui vào cổ họng. Cái máy đánh răng chạy rung xì xèo hiệu Oral-B nhãn hiệu ghi rõ ràng „Hergestellt in Deutschland“ sản xuất tại Đức.
Cả ngày làm việc mệt mõi, tối về nghĩ đến chuyện nấu  ăn đã thấy mệt người. Lôi đại một gói mì  tôm, coi kỹ là gói mì sản xuất tại Việt Nam. Tô mì thiệt ngon, mua trong siêu thị có  25 xu chứ bao nhiêu. Vừa ăn vừa coi tin tức thời sự trong ngày trên TV, đọc hết tờ báo, leo lên giường lôi cuốn sách đọc đến khi mắt rụp xuống.  
Thứ  ba: Sáng ngủ dậy mãi ham đọc trả lời E-Mail buổi sáng trễ giờ đi làm, vậy là ra xa lộ phải phóng thật nhanh. Xe chạy êm, xe Đức mà không êm sao được. Nhớ lại hôm cuối tuần trên TV chiếu chương trình ADAC thử độ an toàn của chiếc xe hơi Tàu mà ớn lạnh. Cho xe chạy 50km/giờ đâm đầu vào bức tường, xe bẹp dúm, máy thử nghiệm trên người nộm báo „chết tại chổ“, ADAC bảo độ an toàn xe Tàu như xe gắn máy! Nói câu nghe nhục nhã cho mấy anh Tàu qúa! So với một chiếc xe Nhật hay xe bên Âu châu này sản xuất là một trời một vực nhưng nói cho cùng nó cũng rẻ hơn nhiều lắm. Của rẻ là của hôi thiệt đúng.
Trưa nay đi qua „Căn-tin“ trong hãng cùng mấy đứa bạn, trong đám có hai con nhỏ, để ăn trưa. Món Spaghetti sốt cà chua của Ý, khi nào có món này là Căn-tin đầy nhóc người. Nghe hai cô khoe nhau mua áo quần thấy mệt. Đứa nào cũng khoe áo quần hiệu chính cống, tôi buộc miệng nhưng đôi giày của tụi bây cũng có thể từ China? Tụi nó xì môi, bộ mày tưởng tụi tau không tiền hay sao? Chìa chiếc giày cho xem đúng là của Ý.
Hai ngày nay ăn mì sợi ngán quá rồi, tối nay về nhà  thèm cơm. Lấy bịch gạo của Thái Lan xúc ra bỏ vào trong nồi cơm điện National của Nhật mua cách đây đã hơn mười mấy năm, nấu cơm bốc mùi thơm phức. Không biết có đúng không, người ta nói gạo Jasmin của Thái còn ngon hơn Nàng Hương của mình. Đã ăn gạo Nàng Hương lần nào đâu mà biết để so sánh. Cắt một ít rau cỏ bỏ vô chảo xào xào, chêm thêm chút nước mắm Phú Quốc, nêm nếm thêm chút bột ngọt nhập từ Việt Nam sang mua trong tiệm người Việt. Xong, ăn cơm nóng với đồ xào, ngon tuyệt.  
Thứ  tư: Hôm nay lấy ngày nghỉ ở nhà đi mua ít đồ về tân trang lại cái Computer, cái quạt gió chạy ồn quá sức, hard disk cũng hết chổ chứa rồi, gắn thêm cái RAM nữa sẵn dịp thay luôn cái Prozessor . Coi như cái máy mới. Vào tiệm bảo không muốn mua hàng China, tụi nó cười bảo có muốn cũng không có. Yên tâm. Về tháo tung cái máy, ráp đồ mới vào, xem kỹ đúng là không có món nào ghi Made in China hết. Xong việc, máy chạy êm, nhanh chóng ngon lành.
Chiều ra Ban-công ngồi đọc sách, tự thưởng cho mình chai Bia lạnh. Bia ngon tuyệt lại rẻ tiền hơi đâu bày đặt đi uống Bia ngoại. Vừa đắt tiền vừa dở đó là Bia Tsingtao của Tàu. Nhớ năm 2005 tờ VNExpress có đưa ra bản tin: „…Bộ Y tế Nhật Bản yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu bia Trung Quốc phải kiểm nghiệm tính an toàn, sau khi có nguồn tin cho hay thứ nước này chứa tác nhân gây ung thư. "Cơ quan quản lý thực phẩm cần đề nghị các nhà nhập khẩu đảm bảo thành phần" của mọi loại bia Trung Quốc, một quan chức của Bộ Y tế Nhật cho biết. Hiện nay, bia Trung Quốc đang tràn ngập thị trường xứ hoa anh đào. Chỉ thị mới được đưa ra chỉ một tuần sau khi tờ Joong-Ang Ilbo của Hàn Quốc có tin bia Trung Quốc chứa một lượng lớn formaldehyde - hóa chất gây ung thư mà Nhật Bản đã nghiêm cấm sử dụng trong thực phẩm từ lâu…“
Uống hai chai bia đã thấy ngây ngây làm biếng không nấu cơm tối. Lấy cơm nguội hồi hôm qua bỏ vào Microwave hâm nóng. Xem miếng giấy dán trong máy thấy ghi là „Made in France“, ai biết chuyện gì xảy ra khi hâm nóng đồ ăn với máy của Tàu? Cơm nóng xịt thêm một ít xì dầu ăn ngon vô cùng mà lại khỏi nấu ăn lôi thôi. Người Đức có loại xì dầu Maggi sản xuất tại thành phố Singen. Đi sang Pháp sang Mỹ đem theo chai Maggi của Đức làm quà cho người Việt mình thì không chi bằng. So ra xì dầu Maggi đắt tiền hơn xì dầu Tàu nhưng mua chai nào bảo đảm chai nấy, ham rẻ ăn xì dầu Tàu có ngày „á khẩu“ khi nào không biết.
Tối hôm nay coi TV chiếu về chuyện nhà cửa bị nhiễm độc tại Florida và New Orleans. TV chiếu cảnh các chủ nhà khóc sướt mướt, hối hận tham rẻ mua mấy tấm bửng lót tường, lót trần nhà của Tàu. Nguyên căn nhà bị nhiễm độc, tiền đâu thuê người tẩy dọn? Phá ra làm lại đợi chất độc biến đi cũng mất hàng năm trường! Lấy nhà đâu mà ở?  
Thứ  năm: Hôm nay đi làm dọc đường đón cho cặp vợ chồng người làm cùng hãng đi cùng. Xe tụi nó bỏ tiệm sửa để vào TÜV (hạn khám xe hai năm một lần). Trên xe nghe tụi nó khoe chuyện đi hè. Sao vợ chồng chúng mày không đi China thăm Vạn Lý Trường Thành? Quý báu gì, uổng thì giờ, để thì giờ sang Bali tắm biển sướng hơn. Dặn tụi nó có mua dép đi biển thì phải để ý, đi dép của Tàu bị chất độc cưa chân đấy. Mấy đôi dép lẹt xẹt đó bên này bán chừng một đồng một đôi, kiểu cách hoa hòe thì hai, ba đồng. Đúng là dép Tàu rất nhiều nhưng dép của Việt nam làm cũng không thiếu.
Chiều nay đi làm về chạy thẳng vào tiệm bán đồ chơi TOYS"R"US mua món quà tặng sinh nhật con thằng bạn trong hãng. Rảo quanh mấy quầy hàng toàn là từ  China đến. Công nhận là rẻ nhưng toàn là đồ nhựa. Mua cho trẻ con, tụi nó không biết bỏ vào miệng cắn có chất độc gì mình ân hận suốt đời vậy là ráng bóp bụng mua chiếc đầu máy kéo xe lửa bằng sắt hiệu Marklin của Đức. Hãng này vừa khai phá sản là phải, đắt quá ai mua nổi.
Tối nay thằng con từ Uni gọi về. Chuẩn bị tìm trường để đi học một Semester ở nước ngoài. Đi đâu thì đi nhưng không đi Tàu. Tại sao? Phần tốn tiền phần qua đó ăn uống toàn thứ bậy bạ chết uổng mạng chứ sao nữa. Với lại học cái gì bên đó? Ngành đó sang Mỹ học tốt hơn.
Làm biếng nấu cơm. Bánh mì đen thêm một dĩa xà lách trộn theo kiểu Ý là xong. Dầu Olive, dấm đen Balsamico của Ý, thêm chút đường muối tiêu, không quên một ít Mù Tạt cay hiệu Thomy của Đức, trộn chung với Xà lách, dưa leo, cà chua từ  Hòa Lan sang. Ngon rẻ mà lại sạch sẽ an toàn thực phẩm nữa.  
Thứ  sáu: Hôm nay đi làm phơi phới cõi lòng. Thứ sáu làm đến 12giờ trưa là xong. Lại thêm hai ngày cuối tuần đang chờ đợi nữa. Gặp cha đứa bạn của thằng út làm sếp phần hành EDV của hãng. Kể chuyện hôm nay vừa tiếp đại diện hãng bán mực in máy Computer của China. Giá rẻ nhưng cho chạy in thử mực, phẩm chất quá tồi. Hỏi mực in toàn cả chất hóa học, biết tụi nó bỏ gì trong không? Cười bảo, cho tụi nó chưa đầy mười lăm phút là tống tụi nó ra rồi.
Trưa  đi làm về ghé vô phố mua đôi giày để chạy Jogging, giày cũ chạy toạt móng rồi. Lượn tới lượn lui, chân nhỏ khó kiếm giày. Nhắm đôi giày hiệu Adidas vừa ý vừa túi tiền nhìn vào bên trong thấy ghi Made in China, vất vội xuống, lấy khăn giấy ra chùi tay. Bỏ qua quầy bên cạnh thấy được đôi Puma làm tại Indonesia. Puma thì không thích lắm nhưng không phải của Tàu là được rồi.
Tối hôm nay nhận được điện thoại của người quen báo là mới đi bệnh viện về. Đạp xe Mountainbike trong rừng, ham rẻ mua trong siêu thị chiếc xe của China trông „chất lượng“ lắm. Chạy chưa đầy tháng nhảy phong phóc trong rừng nó sụp gãy cổ xe, người ngã lăn nhào phải vào bệnh viện khâu mấy mũi. Tởn tới già, thề từ nay về sau có mua xe đạp thì vào tiệm chuyên môn mua xe. Điên, bên này xe đạp của Ý, của Pháp bán khối.   
Thứ  bảy: Bao nhiêu áo quần dơ trong tuần hôm nay phải thanh toán. Cho vào máy giặt bỏ ít xà phòng, nước thơm vào cho nó xoay. Coi lại áo quần nhất là quần lót với mấy đôi tất có phải đồ Tàu không. Ba cái thứ này mặc sát trong người nguy hiểm. Xem tới xem lui chẳng có cái nào, cái thì từ Việt Nam, cái Taiwan, cái Mã Lai. Tính rồi, cái nào của Tàu là dụt thùng rác liền. Sẵn tay bấm nút cho máy rửa chén bát làm việc luôn Cả hai máy đều hiệu Miele, một trong những hiệu máy gia dụng tốt nhất trên thế giới. Máy chạy êm. Mua đắt nhưng bù lại rất bền. Riêng cái máy rửa chén đã hơn hai mươi năm chưa suy xuyển. Gặp máy Tàu chắc chừng hai năm lại mất công vác ra bãi rác để dụt.
Hôm nay lên nhà ông anh ăn cơm. Món cuốn tôm thịt thiệt ngon. Bánh tráng của Thái cuốn Tôm Black Tiger của Việt Nam, thịt ba rọi của Đức, bún của Tàu? Không, trước đây loại bún sáu miếng, có khi tám miếng của Tàu đầy chợ nhưng nay bún Việt Nam cũng tràn đầy. Ăn ba thứ này phải có nước chấm cay cay mới được. Vói tay lấy chai ớt tương hiệu con gà, nắp xanh sản xuất tại USA, cay xé họng. Khi đi đem theo chai rượu vang đỏ, mở ra uống. Rượu đặc biệt vì không phải của Pháp cũng không phải từ California sang mà lại của Tây Ban Nha, ngon thiệt. Bây giờ có nhiều người bày đặt ăn cơm uống rượu Tàu. Rượu trái mận, rượu trái vải của Tàu uống ngọt như Si-rô mà lại còn đắt tiền. Ăn uống đã đời nằm lăn ra Xa-lông coi TV. Ông này sang, chơi cái máy TV hiệu Sony lép kẹp to chần dần. Ngó quanh ngó quẩn trong nhà cũng chẳng có đồ Tàu. Vỏn vẹn bức tranh treo tường mang từ Việt Nam sang có vẻ Á Đông mà thôi.
Thằng cháu  đi đánh Tennis về. Cười cười hỏi ông, nó  đánh vợt Tàu hở? Vừa phải thôi, Tàu mà làm  được cái vợt Tennis như vậy thì tau lạy tụi nó hai tay. Dặn ông đừng xài đừng ăn  đồ Tàu, nguy hiểm. Chuyện đó ai không biết mà còn dặn. Nhà tau ăn chính là đồ bên này, vừa rẻ vừa tươi lại khỏi phải đi chợ xa xôi, mất công.  
Chủ  nhật: Sáng dậy trễ bày đồ ra ăn sáng. Bơ, Phồ ma, thịt nguội, mức ngọt… đủ thứ nhưng toàn đồ ăn nội địa. Phồ ma có tệ hơn Phồ Ma Thụy Sĩ chút đỉnh nhưng rẻ hơn, tội chi không mua? Ít tiền cứ mua đồ dùng hàng ngày trong nhà sản xuất trong nước là an toàn mà lại rẻ. Tụi này coi vậy chứ khôn có sạn. Hàng kỹ thuật cao xuất cảng đứng nhất thế giới. Hàng tiêu dùng hàng ngày cho người dân cũng không bỏ quên. Thảo nào trong lúc kinh tế thế giới suy sụp, thị trường mặt hàng tiêu dùng hàng ngày trong nước không giảm mà lại tăng. Khác với bên nhà, sân trước xuất cảng chết ngắt, sân sau hàng tiêu dùng thì để cho hàng hóa nhập lậu từ Trung quốc sang tung hoành.
Điện thoại sang hỏi thăm sức khỏe Ba Mẹ. Dặn đừng ăn đừng mua đồ Tàu, già rồi tiết kiệm làm chi. Mẹ cười bảo bên này đồ Việt còn ngon hơn bên nhà, tội chi ăn đồ Tàu. Hai đầu đường là hai tiệm thực phẩm, một Tàu một Việt. Tiệm Việt nhập chính là đồ Việt Nam sang, bán rẻ mà tươi hơn, người mình ai cũng đến đó. Hồi mới qua bà con đến thăm có tặng cho cái mền của Tàu nhưng đắp xót quá, vất lâu rồi. Yên tâm.  
Vậy là  xong một tuần kiêng cữ đồ Tàu. Nhưng xem ra có  gì khó khăn đâu để gọi là kiêng? Kiêng là phải cố gắng, phải tự chủ… Còn đây thì chỉ cần sinh hoạt bình thường, chỉ cần để ý chút xíu là khỏi phải va chạm đến đồ Tàu. Bạn không tin lời tôi nói về chuyện kiêng đồ Tàu dễ như vậy? Vậy thì cứ thử đi, sáu tháng hay một năm không dùng không đụng đến đồ Tàu xem thử có được không?
Hàng hóa bày đầy ra đó, tội gì phải đi dùng hàng Tàu[1]. Nhất là ngày nay bọn chúng đang coi thường đất nước mình, xem cảnh ngư dân phải vái lạy bọn chúng tha tội „dám“ đánh cá trên vùng biển thuộc Việt Nam… mà mình vẫn  khăng khăng mua hàng làm giàu cho chúng thì xem ra có cái gì đó không được bình thường?  
Vẫn biết ai cũng chỉ chết một lần nhưng chết vì Tàu thì  dù chết rồi nhưng vẫn… ức lắm!  
Phương Tôn
[1] Bài viết đặc biệt nhắm vào cộng đồng người Việt ở Hải ngoại. Đối với đại đa số người dân trong nước vì hoàn cảnh khách quan nên dù biết, dù muốn cũng khó thực hiện được yêu cầu này.
____________________________________________

Vài suy nghĩ về hàng hóa Trung Quốc

 Thanh Phong
Tôi nghĩ rất nhiều nơi trên thế giới đã nói không với hàng hóa kém chất lượng Trung Quốc. Trước khi nhập sang các nước tiên tiến, họ kiểm tra rất kĩ lưỡng mới đồng ý tiêu thụ. Trong khi hàng hóa sang Việt Nam chưa có một tổ chức nào có thể kiểm định, chứng nhận chất lượng hàng hóa Trung Quốc. Điều đó khiến ta nghĩ đến một vấn đề là hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc không được thế giới thừa nhận thì tha hồ tuôn chảy vào Việt Nam. Tôi thật sự lo lắng cho chất lượng sức khỏe, trí tuệ của người dân Việt Nam và các thế hệ con em chúng ta trong tương lai.
Nước ngoài, ngay cả Đài Loan đều tẩy chay hàng hóa kém chất lượng Trung Quốc, và họ vẫn thường bàn tán hay công khai tuyên truyền những thông tin này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó là một việc làm bình thường, là trách nhiệm của chính quyền, cả hệ thống quản lý Nhà nước và các phương tiện thông tin đại chúng. Không có lý do gì có thể ngăn cản chúng ta vì yêu nước, vì tương lai giống nòi dân tộc mà không hòa cùng với xu hướng này của thế giới.
Chất lượng cuộc sống con người là quan trọng nhất. Những lần đến các bệnh viện của TP. HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi thấy cảnh người bệnh và thân nhân chen chúc nhau nằm ngồi trên các lối đi rồi chen chúc nhau để được đến lượt khám bệnh và chữa bệnh. Tôi bỗng bất giác nghĩ về hàng Trung Quốc. Không biết trước đây mười mấy hai chục năm bệnh nhân có nhiều như vậy không, không biết có mối liên hệ nào về số bệnh nhân tăng cao với nhiều chứng bệnh nan y với quá trình hàng hóa Trung Quốc bắt đầu ồ ạt xâm nhập vào thị trường Việt Nam cho đến nay. Dĩ nhiên đó chỉ là những tiên lượng và suy nghĩ, nếu có ai bỏ công nghiên cứu cái này thì hay quá.
Người Việt Nam thích hàng hóa Trung Quốc vì nhiều lý do trong những điều kiện tiêu dùng nhất định, và dĩ nhiên họ không hề biết thực hư chất lượng sản phẩm họ mua như thế nào. Nếu biết rõ chất lượng nhiều mặt hàng Trung Quốc, chắc chắn không ai muốn ôm bệnh tật vào mình mà chọn lựa. Người Trung Quốc cũng xin đừng vì chạy theo lợi nhuận mà quên đi lương tâm và trách nhiệm của mình đối với xã hội, đối với loài người. Những sản phẩm kém chất lượng rồi sẽ bị tẩy chay, và điều đó ảnh hưởng đến uy tín hoàng hóa Trung Quốc nói chung trên trường thế giới.
Tôi thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử Trung Quốc bằng suy nghĩ và động cơ muốn hướng tới cái thiện mỹ của người xưa chứ không thích kiểu Trung Quốc đem văn hóa cũng như hàng hóa của mình áp đặt hay thay thế văn hóa nước khác. Tôi thích những câu nói của Khổng Tử và Lão Tử... về lẽ đời, về sự chân chính trong cuộc sống chứ không thích những câu nói gian trá độc ác kiểu "Thà ta phụ người chứ không để người phụ ta" hay "Người ác/phụ bạc với ta một, ta sẽ ác/phụ bạc lại người gấp trăm lần" mà giới truyền thông chính thống Trung Quốc có lúc viện dẫn để khích lệ cho hành động đối xử tàn ác của mình với người dân nước khác...Chắc chắn các triết gia và tổ tiên của người Trung Quốc nếu có sống lại cũng cực lực phản đối những suy nghĩ đầy phản bội đó của con cháu mình.
Người Trung Quốc xấu trong mắt bạn bè thế giới do chính hành động và suy nghĩ của chính bản thân họ chứ không phải ai trên đời này sinh ra cũng đã có thành kiến với họ, ngay cả với đất nước luôn giàu tinh thần hòa hiếu và nhân nhượng mặc dù phải chịu sự đô hộ hàng ngàn năm như Việt Nam.

Link gốc:

  1. Không Dùng Hàng Hóa Tàu Có Sống Được Không?
  2. Vài suy nghĩ về hàng hóa Trung Quốc
  3. TRÀ SỮA- BUBBLE TEA....UỐNG VÔ BIẾT LIỀN
  4. LÀM THẾ NÀO ĐỂ LẤY LẠI  HOÀNG SA & TRƯỜNG SA
  5. Thực phẩm kinh rợn tại Trung quốc
  6. Ăn Cơm Tàu, Ở Nhà Tây!
  7. Nhập khẩu container chứa chất thải nguy hại
  8. HÀNG-HÓA và THỰC-PHẲM BA-TÀU  =  NGUY-HIỂM !!
  9. Một Số Đũa Gỗ Nhập Từ TQ Mang Mầm Bệnh Ung Thư
  10. Tranh Biếm Hoạ
  11. Vịt đực “biến hóa” thành “chim sẻ quay”
  12. Nhiều máy lạnh Trung Quốc giả hiệu National
  13. Cảnh giác với phòng khám đông y có bác sỹ Trung Quốc
  14. Thuốc tây giả từ Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới
  15. Cách nhìn barcode để nhận ra hàng hoá của Trung Quốc (made in China)
  16. CẨN THẬN VỚI ĐỒ HONGKONG
  17. Hoa quả khô Trung Cộng rất độc hại
  18. Xét về chế biến 'mỡ bẩn', Trung Quốc có phần 'kinh hoàng' hơn Việt Nam
  19. Sản phẩm Trung Quốc lại bị nhiễm độc cap 3

Older Post:

Newer Post:

Auto Scroll Stop Scroll