(TNO) Các nhà khoa học Mỹ vừa công bố số liệu về khối lượng của Milky Way, thiên hà chứa hệ mặt trời và hàng trăm tỉ hành tinh. Họ đã sử dụng một máy tính cực mạnh để tính toán và cho ra con số khủng khiếp, Daily Mail đưa tin.
Thiên hà Milky Way nặng gấp 210 tỉ lần mặt trời của chúng ta. Trong khi đó, khối lượng mặt trời lại gấp 333.000 lần Trái đất. Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Mỹ) thực hiện.
Họ đã sử dụng siêu máy tính Yeti của Đại học Columbia và áp dụng các phương pháp tính mới để cho ra kết quả. Đây được xem là con số chính xác nhất từ trước đến nay, tỷ lệ sai số khoảng 20%, theo Daily Mail.
Những tính toán trước đây cho rằng toàn bộ thiên hà Milky Way nặng gấp 750 tỉ lần mặt trời, thậm chí lên đến 1.000 tỉ lần. Đó là những kết quả có tỷ lệ sai số rất lớn, tiến sĩ Andreas Kuppe, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết.
Sở dĩ có sự khác biệt lớn như vậy là do sự khác nhau về phương pháp tính toán. Milky Way là một thiên hà xoắn ốc với khoảng 300 tỉ ngôi sao trong đó.
Các nghiên cứu trước đây cố gắng tính khối lượng của thiên hà trải rộng trên khoảng không gian 1,8 triệu năm ánh sáng. Trong khi đó, nhóm của tiến sĩ Kupper chỉ tính toán kích thước của thiên hà với đường kính khoảng 120.000 năm ánh sáng.
Rất khó để xác định điểm kết thúc của thiên hà Milky Way và điểm bắt đầu của thiên hà láng giềng Andromeda (Tiên nữ), tiến sĩ Kuppe nói. Tuy nhiên, phần lớn các ngôi sao nằm trong phạm vi 40.000 năm ánh sáng. Ngoài phạm vi ấy, phần lớn là dạng vật chất tối, các nhà khoa học không thể nhìn thấy nên cũng không thể tính là khối lượng của thiên hà.
Andromeda là thiên hà gần Milky Way nhất là với kích thước lớn hơn và chứa đến 1.000 tỉ ngôi sao. Các nhà khoa học đã dùng những kính thiên văn cực mạnh để quan sát Andromeda.
Họ phát hiện nó đang di chuyển về phía Milky Way, nơi chứa hệ mặt trời và Trái đất. Giới thiên văn đặt ra giả thuyết 2 thiên hà này sẽ va chạm nhau trong 5 tỉ năm nữa. Có nhiều kịch bản được đưa ra nhưng không ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra khi đó.
Ngọc Quý